THUẾ TNCN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN VỪA CÓ THU NHẬP TỪ TIỀN LƯƠNG VÀ CHO THUÊ TÀI SẢN

Trên thực tế có nhiều cá nhân vừa đi làm có thu nhập từ tiền lương, tiền công do công ty trả, vừa có thu nhập từ việc cho thuê tài sản ví dụ như cho thuê nhà, cho thuê xe oto, cho thuê đất,…Khi gặp những trường hợp này thì sẽ kê khai, tính thuế và quyết toán thuế TNCN như thế nào?

Chúng ta cùng tìm hiểu:

  • Cách tính thuế TNCN đối với tiền lương tiền công?
  • Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ cho thuê tài sản?
  • Có phải quyết toán thuế đối với thu nhập từ cho thuê tài sản không?

Căn cứ điều 7 thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán như sau:

“3. Hộ khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: hộ khoán mới ra kinh doanh, hộ khoán kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, hộ khoán ngừng, tạm ngừng kinh doanh. Đối với hộ khoán kinh doanh không trọn năm, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định mức thuế khoán phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.

Ví dụ 1: Ông A bắt đầu kinh doanh từ tháng 4 năm 2022, và dự kiến có doanh thu khoán của 09 tháng thực tế kinh doanh là 90 triệu đồng (trung bình 10 triệu đồng/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng). Như vậy, Ông A thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh từ tháng 4 năm 2022 là 90 triệu đồng.”

Căn cứ tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Doanh thu tính thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản được xác định như sau:

Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác không bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

Căn cứ theo Điều 2, Điều 3 của Thông tư 92/2015/TT-BTC xác định tỷ lệ tính thuế như sau :

– Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%

– Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%

Xác định số thuế phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT 5%
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN 5%

Căn cứ theo thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định tính thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Thuế TNCN phải nộp = thu nhập tính thuế nhân (×) với thuế suất

Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế = Tổng lương nhận được( –) các khoản được miễn thuế

Như vậy, bản chất thuế từ tiền lương, tiền công và thuế từ hoạt động cho thuê tài sản là hai hoạt động riêng biệt và có cách tính riêng; doanh thu phát sinh từ hoạt động cho thuê nhà không tính vào chung với thu nhập từ tiền lương, tiền công để làm căn cứ nộp thuế TNCN được.

Thue TNCN hoat dong cho thue Tai san

Thu nhập từ cho thuê tài sản có phải quyết toán thuế TNCN không?

1./ Trước thời điểm thông tư 92/2015/TT-BTC có hiệu lực (30/07/2015)

Theo khoản 2 điều 16 thông tư 156/2013/TT-BTC:

“a.3) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công; cá nhân có thu nhập từ kinh doanh có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ các trường hợp sau:

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập từ cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất có doanh thu bình quân tháng trong năm không quá 20 (hai mươi) triệu đồng, đã nộp thuế tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.”

Như vậy cá nhân vừa có thu nhập từ tiền lương tiền công vừa có thu nhập từ kinh doanh thì cuối năm phải quyết toán thuế TNCN cả thu nhập từ cho thuê tài sản.

2./ Từ thời điểm thông tư 92/2015/TT-BTC có hiệu lực (30/07/2015)

– Theo quy định tại khoản 5 điều 25 thông tư số 92/2015/TT-BTC:

“5. Bãi bỏ các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 16 … Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.”

– Theo quy định tại khoản 3 điều 21 thông tư số 92/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 2 điều 16 thông tư số 156/2013/TT-BTC):

“a.3) Khai quyết toán thuế

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ các trường hợp sau:

– Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 (mười) triệu đồng, đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

– Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.”

Như vậy thông tư 92/2015 đã làm rõ 2 việc:

– Thứ nhất, bãi bỏ toàn bộ các quy định về thuế TNCN đối với hoạt động kinh doanh quy định tại TT156/2013/TT-BTC. Hoạt động kinh doanh chỉ nộp thuế theo quy định tài TT92/2015/TT-BTC và KHÔNG QUYẾT TOÁN (nộp xong là xong).

– Thứ hai, quy định về quyết toán thuế TNCN CHỈ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ TIỀN LƯƠNG TIỀN CÔNG.

HOTLINE: 0975 997 729

Công Ty TNHH Tư Vấn Thuế Ency |

Địa chỉ: P.2608 Tòa A3 Dự Án Ecolife số 58 Tố Hữu, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Email: hangding.ency@gmail.com

Website: https://dailythueency.com/