BỘ TÀI CHÍNH

__________

Số: 111/2021/TT-BTC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

Hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa

__________

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/20220 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về báo cáo tài chính nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn kế toán về tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành (sau đây gọi là kế toán thuế) bao gồm:

a) Các quy định chung về kế toán thuế;

b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế;

c) Thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế;

d) Tài khoản kế toán thuế;

đ) Sổ kế toán thuế;

e) Báo cáo kế toán thuế;

g) Tổ chức công tác kế toán thuế.

2. Các nội dung khác liên quan đến công tác kế toán thuế không quy định chi tiết tại Thông tư này được thực hiện theo quy định chung của pháp luật kế toán.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thuế: Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán thuế nêu tại Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.Thuế bao gồm thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế.

2. Kế toán thuế là việc cơ quan thuế các cấp thực hiện thu thập, ghi chép, phản ánh toàn bộ số phát sinh về tiền thuế do cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xoá nợ trong quá trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế.

3. Hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế là các hoạt động về quản lý thuế do cơ quan thuế các cấp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo quy định của Luật Quản lý thuế, các Luật Thuế, các quy định của pháp luật có liên quan và theo các quy trình nghiệp vụ về quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

4. Đơn vị kế toán thuế là Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế.

5. Hệ thống ứng dụng quản lý thuế là hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin do Tổng cục Thuế xây dựng và triển khai để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế.

6. Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế là một ứng dụng thuộc Hệ thống ứng dụng quản lý thuế có nhiệm vụ quản lý số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của từng người nộp thuế; đồng thời, thực hiện cung cấp thông tin đầu vào của kế toán thuế theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

7. Phân hệ kế toán thuế là một ứng dụng thuộc Hệ thống ứng dụng quản lý thuế để thực hiện công tác kế toán thuế theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

8. Cơ sở dữ liệu quản lý thuế là tập hợp các thông tin, dữ liệu về quản lý thuế được cập nhật, xử lý, khai thác và sắp xếp lưu trữ trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế theo quy định của pháp luật và theo các quy trình nghiệp vụ về quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

9. Cơ sở dữ liệu kế toán thuế là tập hợp các thông tin, dữ liệu về kế toán thuế (bao gồm: các thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế, tài khoản kế toán thuế, sổ kế toán thuế, báo cáo kế toán thuế) được lưu trữ, sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử trên Phân hệ kế toán thuế.

Điều 4. Đối tượng của kế toán thuế

1. Các khoản phải thu, đã thu, còn phải thu về thuế: Phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu của người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

2. Các khoản phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn thuế: Phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn cho người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

3. Các khoản miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế: Phản ánh số tiền thuế miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ do cơ quan thuế thực hiện.

Điều 5. Phạm vi, nhiệm vụ của công tác kế toán thuế

1. Phạm vi của công tác kế toán thuế trong tổ chức thực hiện hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế

Công tác kế toán thuế là một trong các chức năng quản lý thuế của cơ quan thuế, sử dụng các kết quả của hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế khác đã hoàn thành xử lý để thực hiện công tác kế toán thuế theo các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Nhiệm vụ của công tác kế toán thuế

a) Thực hiện thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, lập chứng từ kế toán thuế theo quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư này để thực hiện ghi sổ kế toán thuế.

b) Đối chiếu, kiểm tra số liệu đã hạch toán đảm bảo khớp đúng với thông tin đầu vào có nguồn gốc phát sinh từ các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế liên quan đến công tác kế toán thuế.

c) Trường hợp phát hiện sai sót trong quá trình hạch toán kế toán thuế thì phải xác định nguyên nhân và yêu cầu xử lý theo quy định tại Điều 14, Điều 16 Thông tư này.

d) Lưu trữ, quản lý, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

đ) Cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế trung thực, đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật về kế toán và quản lý thuế.

e) Các nhiệm vụ của công tác kế toán thuế được Phân hệ kế toán thuế thực hiện tự động hoặc được công chức làm công tác kế toán thuế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và theo thẩm quyền trên Phân hệ kế toán thuế.

3. Nhiệm vụ của các bộ phận chức năng quản lý thuế tại cơ quan thuế các cấp khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế

a) Xử lý hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

b) Kiểm soát xử lý dữ liệu của hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế theo quy định tại Quy chế quy định trách nhiệm về kiểm soát xử lý dữ liệu trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

c) Chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin cung cấp cho thông tin đầu vào của kế toán thuế theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

d) Đối chiếu, rà soát dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế và các thông tin quản lý thuế với người nộp thuế đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời.

đ) Trường hợp phát hiện sai, sót hoặc điều chỉnh hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế liên quan đến công tác kế toán thuế làm ảnh hưởng đến thông tin hạch toán kế toán thuế thì phải xử lý, điều chỉnh kịp thời theo quy định.

Điều 6. Nội dung của công tác kế toán thuế

Công tác kế toán thuế là một trong các chức năng quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp được thực hiện một cách liên tục và có hệ thống theo các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế, trong đó có Phân hệ kế toán thuế. Công tác kế toán thuế bao gồm các công việc sau:

1. Thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, lập chứng từ kế toán thuế

a) Thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế là công việc của kế toán thuế được thực hiện tự động bởi Phân hệ kế toán thuế kết nối với Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế theo quy định tại các Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Thông tư này nhằm xác định đầy đủ các nội dung hạch toán của từng tài khoản kế toán thuế.

b) Trường hợp ghi sổ kế toán thuế không qua quy trình thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế, công chức làm công tác kế toán thuế lập chứng từ kế toán thuế theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

2. Ghi sổ kế toán thuế là công việc của kế toán thuế được thực hiện tự động bởi Phân hệ kế toán thuế nhằm ghi chép các thông tin đầu vào của kế toán thuế và chứng từ kế toán thuế tại khoản 1 Điều này để hạch toán kế toán thuế, phản ánh các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh trong kỳ kế toán thuế, bao gồm việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, sửa chữa sổ kế toán thuế theo các quy định tại Mục 3, Chương II Thông tư này.

3. Lập báo cáo kế toán thuế là công việc của kế toán thuế được thực hiện tự động bởi Phân hệ kế toán thuế hoặc bởi công chức làm công tác kế toán thuế để tổng hợp kết quả hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp (bao gồm số thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ) theo quy định tại Mục 4 Chương II Thông tư này.

4. Lưu trữ và cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế là công việc của kế toán thuế thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 7. Đơn vị tiền tệ trong kế toán thuế

1. Đơn vị tiền tệ trong kế toán thuế là đồng Việt Nam, được dùng để ghi sổ kế toán thuế, lập và trình bày báo cáo kế toán thuế.

2. Trường hợp cơ quan thuế trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam khi thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế, lập và trình bày báo cáo kế toán thuế bằng đồng Việt Nam. Cụ thể như sau:

a) Tỷ giá quy đổi số phải thu trong trường hợp người nộp thuế khai thuế bằng ngoại tệ là tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) quy định tại thời điểm hạch toán.

b) Tỷ giá quy đổi số đã thu trong trường hợp người nộp thuế nộp thuế bằng ngoại tệ là tỷ giá hạch toán trên chứng từ hạch toán thu ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước truyền sang cơ quan thuế.

c) Tỷ giá quy đổi số nộp thừa bằng ngoại tệ được xử lý bù trừ thu ngân sách nhà nước hoặc được ngân sách nhà nước hoàn trả ra đồng Việt Nam là tỷ giá quy định tại điểm a.5 khoản 1 Điều 25 và khoản 4 Điều 46 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Điều 8. Kỳ kế toán thuế

1. Kỳ kế toán thuế được xác định theo năm dương lịch, gọi là năm kế toán, bao gồm 4 ký tự, cụ thể:

a) Kỳ kế toán thuế được tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

b) Kỳ kế toán thuế năm đầu tiên đối với đơn vị kế toán thuế mới thành lập được xác định từ đầu ngày quyết định thành lập mới, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đơn vị kế toán thuế có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

c) Kỳ kế toán thuế cuối cùng của đơn vị kế toán thuế khi bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tính từ đầu ngày 01 tháng 01 năm dương lịch đến hết ngày trước ngày quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán thuế có hiệu lực.

d) Thời gian của kỳ kế toán thuế năm đầu tiên, năm cuối cùng thực hiện theo hướng dẫn của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Nguyên tắc hạch toán theo kỳ

a) Ngày hạch toán kế toán thuế được xác định là ngày hạch toán ghi sổ kế toán thuế vào Phân hệ kế toán thuế.

b) Ngày thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế phải đảm bảo nguyên tắc ngay trong ngày phát sinh nghiệp vụ quản lý thuế hoặc chậm nhất là ngày liền kề tiếp theo ngày phát sinh nghiệp vụ quản lý thuế. Trừ ngày nghỉ theo quy định thì ngày thu thập thông tin là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.

c) Trường hợp trong thời gian lập báo cáo kế toán thuế phát sinh điều chỉnh các nghiệp vụ quản lý thuế đã được hạch toán vào kỳ kế toán thuế của năm trước, nếu thực hiện trước thời điểm đóng kỳ kế toán thuế thì được hạch toán điều chỉnh vào kỳ kế toán thuế của năm trước và xác định bằng thông tin năm kế toán quy định tại khoản 1 Điều này.

d) Sau thời điểm đóng kỳ kế toán thuế, việc điều chỉnh số liệu thuộc kỳ kế toán thuế của năm trước chỉ được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 27 và khoản 2, khoản 3 Điều 30 Thông tư này.

3. Mở, đóng kỳ kế toán thuế

a) Mở kỳ kế toán thuế là việc thiết lập trạng thái mở trên Phân hệ kế toán thuế kể từ ngày bắt đầu kỳ kế toán thuế nêu tại khoản 1 Điều này đối với một kỳ kế toán thuế để thực hiện việc cập nhật dữ liệu thông tin đầu vào của kế toán thuế, cập nhật chứng từ kế toán thuế, hạch toán ghi sổ kế toán thuế hoặc sửa, xóa dữ liệu trên sổ kế toán thuế của Phân hệ kế toán thuế.

b) Đóng kỳ kế toán thuế là việc thiết lập trạng thái đóng trên Phân hệ kế toán thuế đối với một kỳ kế toán thuế để không cập nhật dữ liệu thông tin đầu vào của kế toán thuế, không cập nhật chứng từ kế toán thuế, không sửa, xóa dữ liệu trên sổ kế toán thuế của Phân hệ kế toán thuế.

c) Thời điểm đóng kỳ kế toán thuế là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán. Trường hợp thời điểm đóng kỳ kế toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày đóng kỳ kế toán là ngày làm việc tiếp theo liền kề của ngày nghỉ đó. Trường hợp do nguyên nhân khách quan cần phải lùi thời điểm đóng kỳ kế toán thuế thì phải được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế.

Từ thời điểm kết thúc kỳ kế toán thuế đến thời điểm đóng kỳ kế toán thuế, mọi số liệu điều chỉnh kế toán thuế được hạch toán theo thông tin năm kế toán được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Từ thời điểm đóng kỳ kế toán đến trước khi báo cáo kế toán thuế được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế chỉ được điều chỉnh số liệu năm kế toán theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc điều chỉnh số liệu do cơ quan thuế phát hiện sai sót nếu được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế và hạch toán theo thông tin năm kế toán được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

d) Các trường hợp sai sót số liệu kế toán không được điều chỉnh vào kỳ kế toán thuế theo thông tin năm kế toán nêu trên thì thực hiện hạch toán vào kỳ kế toán thuế của năm hiện tại và bổ sung thông tin năm ngân sách với giá trị “01” để làm cơ sở thuyết minh trên báo cáo kế toán thuế của năm hiện tại.

Điều 9. Lưu trữ và cung cấp thông tin, tài liệu kế toán

1. Tài liệu kế toán thuế bao gồm thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế, sổ kế toán thuế, báo cáo kế toán thuế và các tài liệu khác có liên quan đến công tác kế toán thuế được thể hiện dưới hình thức các thông tin là dữ liệu điện tử được lưu trữ theo quy định của pháp luật về kế toán.

Dữ liệu đầu vào trước khi thu thập vào Phân hệ kế toán thuế được lưu trữ trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế thuộc Hệ thống ứng dụng quản lý thuế theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế có trách nhiệm đảm bảo việc lưu trữ có khả năng truy cập để khai thác nguồn gốc thông tin đầu vào của kế toán thuế.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế

a) Việc cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về quản lý thuế.

b) Thông tin, tài liệu cung cấp của kế toán thuế là số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xoá nợ do cơ quan thuế quản lý và các thông tin khác có liên quan thể hiện trên các chỉ tiêu của báo cáo kế toán thuế quy định tại Thông tư này.

Điều 10. Tổ chức hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế

1. Hệ thống ứng dụng quản lý thuế được quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này bao gồm Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tích hợp (Hệ thống TMS) và các ứng dụng quản lý thuế ngoài Hệ thống TMS để thực hiện công tác quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp và lưu trữ tập trung thông tin quản lý thuế của tất cả các sắc thuế, khoản thu của người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý trên phạm vi toàn quốc, được tổ chức thành nhóm các ứng dụng (phân hệ) sau đây:

a) Các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế là các chức năng được thiết lập trên Hệ thống TMS hoặc thiết lập trên các ứng dụng quản lý thuế ngoài hệ thống TMS để xử lý các nghiệp vụ quản lý thuế theo các quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành (bao gồm: Quản lý hồ sơ thuế (QHS), Đăng ký thuế (ĐKT), Xử lý Tờ khai thuế (XLTK), Xử lý Quyết định (XLQĐ), Xử lý Hoàn thuế (XLHT), Xử lý Miễn giảm thuế (XLMG), Quản lý nợ thuế (QLN), Thanh tra kiểm tra (TTR), Quản lý trước bạ, nhà đất (TB-NĐ)…).

Kết quả xử lý nghiệp vụ tại các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế của Hệ thống TMS và các ứng dụng quản lý thuế ngoài Hệ thống TMS phải được truyền tự động vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế thuộc Hệ thống TMS để ghi chép, phản ánh, xác định số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của từng người nộp thuế. Hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế được lưu trữ trên các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế của Hệ thống TMS và các ứng dụng quản lý thuế ngoài hệ thống TMS phải có khả năng truy cập để xác định nguồn gốc thông tin đầu vào của Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế.

b) Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế được quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này là một ứng dụng được thiết lập trên Hệ thống TMS được tích hợp với các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế khác trong Hệ thống ứng dụng quản lý thuế để ghi chép, phản ánh, xác định số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của từng người nộp thuế; cung cấp các số liệu này cho các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ quản lý thuế theo quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

Các thông tin ghi chép về nghĩa vụ của người nộp thuế tại Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế phải bao gồm các nội dung thông tin được quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này để đảm bảo có khả năng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời và truyền tự động thông tin đầu vào của kế toán thuế cho Phân hệ kế toán thuế được quy định tại Thông tư này.

2. Nguyên tắc và trách nhiệm của các bộ phận trong xử lý, kiểm soát dữ liệu trên từng phân hệ của Hệ thống ứng dụng quản lý thuế thực hiện theo các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và Quy chế quy định trách nhiệm về kiểm soát xử lý dữ liệu trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

Điều 11. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế

1. Công tác kế toán thuế thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và xử lý tự động với cơ sở dữ liệu kế toán thuế tập trung tại Tổng cục Thuế bắt đầu từ khâu thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, lập chứng từ kế toán thuế, xử lý thông tin đầu vào và chứng từ kế toán thuế, ghi sổ kế toán thuế, báo cáo kế toán thuế; phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy trình, quy định nghiệp vụ về quản lý thuế, quản lý thu ngân sách nhà nước; có khả năng tích hợp, trao đổi thông tin với Hệ thống ứng dụng quản lý thuế khác của ngành thuế.

2. Phân hệ kế toán thuế được quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư này là một ứng dụng được thiết lập trên Hệ thống TMS để thực hiện công tác kế toán thuế của ngành thuế theo quy định tại Thông tư này, bao gồm thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, xử lý chứng từ kế toán thuế, ghi sổ kế toán thuế và lập báo cáo kế toán thuế của cơ quan thuế.

3. Yêu cầu cụ thể đối với Phân hệ kế toán thuế

a) Phải đảm bảo chấp hành đầy đủ pháp luật kế toán, pháp luật quản lý thuế, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật giao dịch điện tử.

b) Phải có khả năng nâng cấp, sửa đổi, bổ sung phù hợp với những thay đổi của pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ của kế toán thuế, nội dung kế toán thuế, phương pháp hạch toán kế toán thuế mà không ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu đã có.

c) Tự động xử lý, lưu giữ số liệu trên nguyên tắc tuân thủ các yêu cầu về kế toán cũng như phương pháp tính toán các chỉ tiêu trên báo cáo kế toán thuế theo quy định hiện hành; đảm bảo sự phù hợp, không trùng lắp giữa các số liệu kế toán; có khả năng dự báo, phát hiện, ngăn chặn các sai sót khi cập nhập dữ liệu và quá trình xử lý thông tin kế toán thuế.

d) Phải đảm bảo tính bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, có khả năng phân quyền đến từng người sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; có khả năng tổ chức theo dõi thời gian truy cập, thao tác của người sử dụng, nội dung cập nhật, sửa đổi, xoá dữ liệu của người truy cập; có khả năng lưu lại các dấu vết trên sổ kế toán thuế về việc sửa chữa sổ kế toán thuế; có khả năng phục hồi được các dữ liệu, thông tin kế toán trong các trường hợp phát sinh sự cố kỹ thuật trong quá trình sử dụng.

đ) Các nguyên tắc xử lý dữ liệu kế toán thuế trên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế phải tuân thủ quy định của Thông tư này và quy định theo thẩm quyền bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Khi có nghiệp vụ kế toán thuế mới phát sinh, phải có văn bản hướng dẫn kịp thời, đầy đủ để thực hiện thống nhất trong toàn ngành thuế; đồng thời, cập nhật các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hạch toán kế toán thuế, tài liệu hướng dẫn sử dụng đồng bộ trong Phân hệ kế toán thuế.

e) Tổng cục Thuế quản lý thống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế, quản lý việc phân quyền sử dụng, bảo mật thông tin dữ liệu về kế toán thuế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy kế toán thuế tại cơ quan thuế các cấp.

g) Công chức thuế khi thực hiện nhập, tra cứu dữ liệu kế toán thuế từ cơ sở dữ liệu kế toán thuế phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công hoặc được sự phê duyệt của người có thẩm quyền; phải dùng đúng tên, tài khoản sử dụng và mật mã an ninh đã được cấp để xử lý, tra cứu các dữ liệu kế toán thuế từ cơ sở dữ liệu kế toán thuế; định kỳ hoặc đột xuất phải thay đổi mật mã an ninh. Khi có thay đổi nhiệm vụ phải thông báo cho bộ phận quản trị ứng dụng để thay đổi quyền truy cập dữ liệu phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới được phân công. Quản trị ứng dụng phải thu hồi quyền truy cập hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kế toán thuế đối với công chức không còn nhiệm vụ liên quan đến kế toán thuế.

4. Phân hệ kế toán thuế phải đảm bảo tự động, liên kết với các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế, trực tiếp là Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế. Phân hệ kế toán thuế phải được tổng hợp toàn vẹn, chính xác, đầy đủ, trung thực các thông tin đầu vào từ thông tin do Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế cung cấp; có khả năng tra cứu, truy cập nguồn gốc thông tin đầu vào của kế toán thuế liên kết đến các thông tin quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, thông tin hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế được lưu trữ trên các phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

THU THẬP THÔNG TIN ĐẦU VÀO CỦA PHÂN HỆ KẾ TOÁN THUẾ VÀ CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THUẾ

Điều 12. Thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

1. Thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế bao gồm các thông tin phản ánh số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xoá nợ của từng cơ quan thuế (cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế, cơ quan thuế quản lý khoản thu, cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ) được thu thập từ việc tổng hợp các thông tin về số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của người nộp thuế trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế để hạch toán vào sổ kế toán thuế trên Phân hệ kế toán thuế.

2. Thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế thu thập từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế phải có các thông tin chủ yếu sau:

a) Tính chất nghiệp vụ quản lý thuế: Là thông tin được tạo ra theo từng loại hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế liên quan đến nguồn gốc phát sinh số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Các thông tin về đoạn mã của tài khoản kế toán thuế là các thông tin được quy định cụ thể tại các Điều 17, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 Thông tư này, bao gồm:

b.1) Mã cơ quan thu;

b.2) Mã địa bàn hành chính;

b.3) Mã chương;

b.4) Mã tiểu mục;

b.5) Mã dự phòng;

b.6) Mã tài khoản kế toán.

c) Năm ngân sách sử dụng đối với các nghiệp vụ điều chỉnh số liệu kế toán thuế phát sinh trong năm hiện tại để điều chỉnh cho sai, sót của các năm trước nhưng tổng hợp lên báo cáo kế toán thuế của năm hiện tại theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

d) Số tiền theo tính chất nghiệp vụ quản lý thuế quy định tại điểm a khoản này.

3. Các thông tin đầu vào do Phân hệ kế toán thuế tạo lập tự động khi hạch toán vào sổ kế toán thuế gồm: ngày tạo bút toán, số hiệu bút toán, ngày hạch toán. Cụ thể:

a) Ngày tạo bút toán, số hiệu bút toán: Do Phân hệ kế toán thuế tự sinh theo trình tự thời gian hoàn thành việc thu thập thông tin đầu vào hoặc hạch toán chứng từ kế toán thuế của Phân hệ kế toán thuế.

b) Ngày hạch toán: Là ngày do Phân hệ kế toán thuế xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

4. Danh mục thu thập thông tin đầu vào theo Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được bổ sung danh mục thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế phù hợp với yêu cầu quản lý thuế và yêu cầu quản lý thu ngân sách nhà nước nhưng phải tương ứng với hệ thống tài khoản kế toán thuế quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này.

Điều 13. Quy trình thu thập, xử lý thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

1. Chuẩn bị thông tin đầu vào cho Phân hệ kế toán thuế

Các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Điều 10 Thông tư này khi thực hiện xử lý hồ sơ nghiệp vụ theo quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định phải đồng thời cung cấp thông tin về số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của người nộp thuế cho Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời theo hướng dẫn bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế tự động tạo lập các thông tin về nghĩa vụ thuế tương ứng với các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế để hạch toán số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của người nộp thuế vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, đồng thời xác định các thông tin về các đoạn mã của tài khoản kế toán thuế cho từng thông tin về nghĩa vụ thuế theo tính chất nghiệp vụ quản lý thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tin về nghĩa vụ thuế được tạo lập phải có đầy đủ các thông tin đầu vào của kế toán thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này và các thông tin khác theo quy định tại quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành để quản lý nghĩa vụ người nộp thuế; thông tin công chức, bộ phận xử lý hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo phân quyền của hệ thống để xác định trách nhiệm kiểm soát, đối chiếu thông tin.

2. Quy trình thu thập, xử lý thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế được thực hiện tự động theo trình tự như sau:

a) Trường hợp thông tin đầu vào của kế toán thuế được chuẩn bị trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đủ điều kiện hạch toán kế toán:

Định kỳ theo thời điểm chốt dữ liệu (COT) tại văn bản hướng dẫn của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Phân hệ kế toán thuế tự động thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế đã được chuẩn bị từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế. Thông tin thu thập bao gồm các thông tin chuẩn bị cho thông tin đầu vào của kế toán thuế phát sinh trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế từ sau thời điểm COT trước đến thời điểm COT hiện tại để thực hiện thu thập thông tin.

Phân hệ kế toán thuế tự động đối chiếu, kiểm tra thông tin đầu vào của kế toán thuế trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đảm bảo đủ điều kiện hạch toán kế toán thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này; tự động tổng hợp và bổ sung thông tin hạch toán kế toán thuế (ngày tạo bút toán, số hiệu bút toán, ngày hạch toán). Trường hợp thông tin đầu vào của kế toán thuế được chuẩn bị trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đủ điều kiện hạch toán kế toán, Phân hệ kế toán thuế tự động cập nhật, ghi vào sổ kế toán thuế và thông báo về việc đã hoàn thành thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế cho Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế.

b) Trường hợp thông tin đầu vào của kế toán thuế được chuẩn bị trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế không đủ điều kiện hạch toán kế toán:

Phân hệ kế toán thuế không thực hiện thu thập và tự động thông báo đến Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, trên cơ sở đó, các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế rà soát, điều chỉnh hoàn thiện hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo các quy định tại các quy trình quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành cho đến khi đủ cơ sở thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế.

c) Yêu cầu về giao diện (chuyển) từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế sang Phân hệ kế toán thuế:

Giao diện (chuyển) từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế sang Phân hệ kế toán thuế phải có đầy đủ các thông tin phục vụ hạch toán kế toán theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Thông tư này; thông tin số tham chiếu đến tính chất nghiệp vụ quản lý thuế của Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế để tra cứu nguồn gốc phát sinh.

3. Đối chiếu, kiểm soát dữ liệu thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

a) Đối chiếu, kiểm soát dữ liệu giữa Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế:

Hàng ngày, Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế tự động tổng hợp danh sách các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế đã được tạo lập thông tin nghĩa vụ thuế của người nộp thuế để hạch toán vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, đối chiếu với danh sách hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế đã hoàn thành xử lý trên các phân hệ xử lý nghiệp vụ để làm cơ sở cho bộ phận quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế kiểm soát dữ liệu theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Trường hợp các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế đã được hạch toán vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế có sai, sót thì các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế phải xác định nguyên nhân, thực hiện điều chỉnh theo Điều 14 Thông tư này và các quy trình nghiệp vụ liên quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

b) Đối chiếu, kiểm soát dữ liệu giữa Phân hệ kế toán thuế và Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế:

Hàng ngày, Phân hệ quản lý nghĩa vụ thuế của người nộp thuế tự động rà soát danh sách các thông tin nghĩa vụ thuế của người nộp thuế chưa được thu thập và hạch toán vào Phân hệ kế toán thuế; đối chiếu với hồ sơ nghiệp vụ trên các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế đã bổ sung thông tin sai, sót theo quy định về trách nhiệm kiểm soát, xử lý dữ liệu trên hệ thống ứng dụng TMS hoặc chuyển thông tin cho các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế thực hiện điều chỉnh thông tin trên các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại điểm a khoản này.

Trường hợp thông tin đã thu thập hạch toán vào Phân hệ kế toán thuế sai, sót thì các bộ phận phải xác định nguyên nhân và thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Điều 14 Thông tư này và các quy trình nghiệp vụ liên quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

Điều 14. Điều chỉnh thông tin đầu vào đã thu thập của Phân hệ kế toán thuế

1. Trường hợp sai, sót tại các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế

Bộ phận nghiệp vụ hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, cập nhật hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế điều chỉnh vào phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế để làm cơ sở cho Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế chuẩn bị thông tin đầu vào cho Phân hệ kế toán thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này. Tùy thuộc vào năm kế toán phát sinh thông tin sai, sót và thời điểm điều chỉnh thông tin tại các phân hệ xử lý nghiệp vụ, Phân hệ kế toán thuế hạch toán điều chỉnh thông tin đầu vào theo kỳ kế toán thuế quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Trường hợp điều chỉnh số liệu đã hạch toán tại Phân hệ kế toán thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này, bộ phận kế toán thuế lập chứng từ điều chỉnh theo quy định tại Điều 16 Thông tư này và cập nhật chứng từ điều chỉnh vào Phân hệ kế toán thuế. Phân hệ kế toán thuế hạch toán bút toán điều chỉnh theo phương pháp hạch toán kế toán do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định. Tùy thuộc vào năm kế toán phát sinh thông tin sai, sót và thời điểm điều chỉnh thông tin, Phân hệ kế toán thuế hạch toán điều chỉnh thông tin đầu vào theo kỳ kế toán thuế quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Trường hợp điều chỉnh do thay đổi nguyên tắc hạch toán tự động trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế hoặc thay đổi phương pháp thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế thì thực hiện theo hướng dẫn bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Điều 15. Trách nhiệm của các bộ phận đối với thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

1. Các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế có trách nhiệm thực hiện xử lý hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, làm căn cứ thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế.

2. Bộ phận quản lý nghĩa vụ người nộp thuế có trách nhiệm kiểm soát thông tin tại Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ, chính xác thông tin đầu vào cho Phân hệ kế toán thuế.

3. Bộ phận kế toán thuế có trách nhiệm kiểm soát việc thu thập thông tin đầu vào tại Phân hệ kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế theo nguyên tắc kế toán thuế.

Điều 16. Chứng từ kế toán thuế

1. Chứng từ kế toán thuế phải thực hiện theo đúng nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ theo quy định của Luật Kế toán và có đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này. Chứng từ kế toán thuế phản ánh thông tin số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xoá nợ được lập trong một số trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các trường hợp lập chứng từ kế toán thuế

a) Trường hợp cơ quan thuế phải điều chỉnh số liệu thu ngân sách nhà nước theo đề nghị của Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền mà thông tin điều chỉnh chỉ ảnh hưởng đến dữ liệu báo cáo kế toán thuế, không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế.

b) Trường hợp thay đổi về chính sách dẫn đến phải điều chỉnh dữ liệu báo cáo kế toán thuế mà không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

3. Danh mục chứng từ kế toán thuế

Danh mục, mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán thuế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Mục 2

TÀI KHOẢN KẾ TOÁN THUẾ

 

Điều 17. Tài khoản kế toán thuế

1. Tài khoản kế toán thuế dùng để ghi chép và hạch toán các nội dung nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh, đảm bảo phản ánh và kiểm soát thường xuyên, liên tục và có hệ thống kết quả hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế do cơ quan thuế các cấp thực hiện.

2. Tài khoản kế toán thuế được quy định cố định về cấu trúc và thống nhất bao gồm 06 đoạn mã độc lập, mỗi đoạn mã chứa đựng các giá trị tương ứng phục vụ cho việc hạch toán kế toán chi tiết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo yêu cầu quản lý thuế và yêu cầu quản lý thu ngân sách nhà nước.

Tên của từng đoạn mã được quy định như sau: Mã cơ quan thu, Mã địa bàn hành chính, Mã chương, Mã tiểu mục, Mã dự phòng, Mã tài khoản kế toán. Số lượng ký tự của các đoạn Mã cơ quan thu, Mã địa bàn hành chính, Mã chương, Mã tiểu mục thống nhất theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

3. Các giá trị cụ thể của các đoạn mã trong tài khoản kế toán thuế được cấp một lần và duy nhất trong Phân hệ kế toán thuế (không cấp lại giá trị đã sử dụng trong quá khứ), trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với mỗi giá trị được thiết lập duy nhất trong suốt thời gian vận hành Phân hệ kế toán thuế.

Giá trị cụ thể của mỗi đoạn mã được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 Thông tư này.

4. Nguyên tắc xác định và hạch toán tài khoản kế toán thuế

a) Căn cứ vào phương pháp xác định các giá trị thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế tự động bổ sung thông tin các đoạn mã tương ứng với từng nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này.

b) Đối với từng đoạn mã được xác định, kế toán thực hiện hạch toán theo giá trị chi tiết nhất. Hệ thống sẽ tự động bổ sung thông tin cho các mã tổng hợp tương ứng. Số dư của tài khoản theo mã tổng hợp là tổng số dư của các tài khoản theo mã chi tiết.

Điều 18. Yêu cầu của tài khoản kế toán thuế

1. Nội dung tài khoản được thiết kế phải phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế, tổ chức bộ máy kế toán thuế và tổ chức thông tin của cơ quan thuế các cấp.

2. Phản ánh đầy đủ các hoạt động kinh tế, tài chính liên quan đến nghiệp vụ quản lý thuế và thanh toán với ngân sách nhà nước của cơ quan thuế các cấp.

3. Thuận lợi cho việc thu thập, xử lý, khai thác và cung cấp thông tin bằng ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng để tự động trao đổi, truyền nhận dữ liệu về quản lý thu ngân sách nhà nước trong ngành Tài chính giữa Phân hệ kế toán thuế với các hệ thống thông tin về quản lý thu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước.

Điều 19. Mã cơ quan thu

1. Mã cơ quan thu được cấp cho mỗi cơ quan thuế (bao gồm: Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Cục Thuế (Văn phòng Cục), Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các khoản thu ngân sách được giao nhiệm vụ tổ chức thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được phân công quản lý thuế. Việc cấp mã cơ quan thu theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế được cấp một mã để tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên toàn quốc; Cục Thuế (trừ Cục Thuế Doanh nghiệp lớn) được cấp một mã để tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Tất cả các nghiệp vụ quản lý thuế phải được xác định mã cơ quan thu tương ứng với cơ quan thuế. Trường hợp một cơ quan thuế được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp người nộp thuế nhưng cơ quan thuế khác được giao nhiệm vụ quản lý khoản thu của người nộp thuế hoặc cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận khoản thu được phân bổ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì mã cơ quan thu để hạch toán kế toán thuế là cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước, cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận khoản thu được phân bổ.

3. Trường hợp thành lập mới hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể cơ quan thuế, mã cơ quan thu được thực hiện như sau:

a) Cấp mới mã cơ quan thu cho cơ quan thuế mới được thành lập, cơ quan thuế được hợp nhất, cơ quan thuế được chia, cơ quan thuế được tách. Mã cơ quan thu có hiệu lực theo Quyết định thành lập, chia, tách, hợp nhất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Chấm dứt hiệu lực của mã cơ quan thu bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập, bị giải thể. Cơ quan thuế phải thực hiện các thủ tục chấm dứt hiệu lực mã cơ quan thu theo quy định kể từ thời điểm hiệu lực Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến khi hoàn thành báo cáo kế toán thuế. Các giá trị tương ứng với mã cơ quan thu đã chấm dứt hiệu lực sẽ được sử dụng để lưu trữ, tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu của Hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

c) Việc đóng, mở kỳ kế toán thuế, bàn giao các tài liệu liên quan đến công tác kế toán thuế, mở sổ, ghi sổ, khóa sổ thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán.

Điều 20. Mã địa bàn hành chính

1. Mã địa bàn hành chính dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ theo địa bàn phát sinh các hoạt động quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Ngân sách nhà nước. Việc xác định mã địa bàn hành chính tương ứng theo danh mục mã địa bàn hành chính quy định tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, các văn bản bổ sung, sửa đổi và hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế thực hiện cấp mã địa bàn toàn tỉnh để tổng hợp số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trên địa bàn toàn tỉnh; cấp mã địa bàn toàn quốc để tổng hợp số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trên toàn quốc.

2. Tất cả các thông tin hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ phải được xác định mã địa bàn hành chính tương ứng, cụ thể:

a) Trường hợp mã cơ quan thu là Cục Thuế thì mã địa bàn hành chính được xác định là cấp tỉnh.

b) Trường hợp mã cơ quan thu là Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế thì mã địa bàn hành chính được xác định là cấp huyện.

c) Trường hợp mã cơ quan thu là Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế và khoản thu thuộc danh mục các khoản thu hạch toán cấp xã theo quy định của Kho bạc Nhà nước thì mã địa bàn hành chính được xác định là cấp xã.

d) Trường hợp mã cơ quan thu là Cục Thuế Doanh nghiệp lớn và khoản thu ngân sách nhà nước của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì xác định mã địa bàn hành chính là cấp trung ương.

Điều 21. Mã chương

1. Mã chương dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế theo hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

2. Tất cả các thông tin hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ phải được xác định mã chương theo quy định.

3. Danh mục mã chương để hạch toán kế toán thuế tương ứng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 22. Mã tiểu mục

1. Mã tiểu mục dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế theo hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

2. Tất cả các thông tin hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ phải được xác định mã tiểu mục theo đúng nội dung kinh tế theo quy định.

3. Danh mục mã tiểu mục để hạch toán kế toán thuế tương ứng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 23. Mã dự phòng

1. Mã dự phòng được sử dụng cho các nghiệp vụ quản lý thuế không phát sinh thường xuyên hoặc phục vụ yêu cầu quản lý theo từng thời kỳ ngoài các đoạn mã chính thức theo quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 24 Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định số lượng ký tự, giá trị của mã dự phòng; trường hợp cơ quan thuế địa phương có nhu cầu thiết lập mã dự phòng để đáp ứng theo đặc thù riêng của từng địa phương thì phải được sự phê duyệt bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và phải đảm bảo thông tin cụ thể từ khâu thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế.

Điều 24. Mã tài khoản kế toán

1. Mã tài khoản kế toán dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế theo đối tượng của kế toán thuế quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Phân loại tài khoản kế toán

a) Tài khoản loại 1 – Phải thu: Là các tài khoản phản ánh số thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, khoanh nợ của cơ quan thuế các cấp đối với người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

b) Tài khoản loại 3 – Thanh toán và phải trả: Là các tài khoản phản ánh số thuế mà cơ quan thuế phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn cho người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu; tình hình thanh toán với ngân sách nhà nước về các khoản thu và hoàn của cơ quan thuế.

c) Tài khoản loại 7 – Thu: Là các tài khoản phản ánh số thu thuế của cơ quan thuế các cấp.

d) Tài khoản loại 8 – Hoàn, miễn, giảm, xoá nợ: Là các tài khoản phản ánh số hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo pháp luật thuế; số thuế miễn, giảm và xoá nợ cho người nộp thuế theo quyết định của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Danh mục hệ thống tài khoản kế toán

STT Số hiệu tài khoản cấp 1 Tên tài khoản
    LOẠI 1 – PHẢI THU
1 131 Phải thu từ người nộp thuế
2 132 Phải thu từ vãng lai của người nộp thuế
3 133 Phải thu từ ủy nhiệm thu
4 137 Phải thu từ trực tiếp thu bằng biên lai
5 138 Phải thu từ phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế
6 139 Khoanh nợ
7 142 Phải thu từ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế
    LOẠI 3- THANH TOÁN VÀ PHẢI TRẢ
8 331 Thanh toán với ngân sách nhà nước về các khoản thu
9 332 Thanh toán với ngân sách nhà nước về hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế
10 338 Khoản thu phân bổ tại các cơ quan thuế khác
11 341 Phải trả người nộp thuế do hoàn nộp thừa
12 342 Phải trả người nộp thuế do hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế
13 348 Phải trả do hoàn nộp thừa của các khoản thu được nhận phân bổ
    LOẠI 7 – THU
14 711 Thu
    LOẠI 8 – HOÀN, MIỄN, GIẢM, XÓA NỢ
15 812 Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế
16 818 Miễn, giảm
17 819 Xoá nợ

4. Trong quá trình thực hiện kế toán thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được bổ sung tài khoản kế toán chi tiết từ cấp 2 trở đi cho các tài khoản đã được quy định tại khoản 3 Điều này để phục vụ yêu cầu quản lý thuế. Việc thêm mới, sửa đổi, bổ sung danh mục tài khoản kế toán cấp 1 do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề xuất của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

5. Trên Phân hệ kế toán thuế được phép thiết lập các tài khoản trung gian để hạch toán kế toán nhưng không làm thay đổi tính chất của nghiệp vụ quản lý thuế được hạch toán và phải tuân thủ nguyên tắc chung về hệ thống tài khoản quy định tại Thông tư này. Tài khoản trung gian phải tất toán số dư ngay sau khi nghiệp vụ quản lý thuế đó hoàn thành và không được kết chuyển sang năm kế toán tiếp theo.

6. Nội dung và kết cấu tài khoản kế toán được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định phương pháp hạch toán kế toán thuế đối với từng loại nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với yêu cầu quản lý thuế, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế và theo quy định tại Thông tư này.

Mục 3

SỔ KẾ TOÁN THUẾ

 

Điều 25. Sổ kế toán thuế

1. Sổ kế toán thuế là một dạng dữ liệu được thiết lập trong Phân hệ kế toán thuế.

2. Sổ kế toán thuế dùng để ghi chép, phản ánh, lưu trữ toàn bộ và có hệ thống số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trong quá trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp.

3. Thông tin trên sổ kế toán thuế phải đảm bảo phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời, trung thực, liên tục và có hệ thống toàn bộ hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế. Bộ phận kế toán thuế của cơ quan thuế không được để ngoài sổ kế toán thuế số tiền mà cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ.

4. Sổ kế toán thuế dưới dạng dữ liệu trong Phân hệ kế toán thuế phản ánh thông tin của kế toán thuế được tạo lập và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử trên cơ sở dữ liệu kế toán thuế, được thiết lập theo quy trình chuẩn của Hệ thống ứng dụng quản lý thuế, lưu trữ toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh theo từng nội dung nghiệp vụ và theo trình tự thời gian có liên quan đến kế toán thuế. Sổ kế toán thuế dưới dạng dữ liệu điện tử có thể được in ra bản giấy để sử dụng theo yêu cầu của công tác kế toán thuế.

5. Cơ sở dữ liệu kế toán thuế phải được ghi nhận và lưu giữ phù hợp với yêu cầu của Luật Kế toán, Luật giao dịch điện tử, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán và phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Điều 26. Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán thuế

1. Sổ kế toán thuế phải mở vào đầu kỳ kế toán thuế; đối với đơn vị kế toán thuế mới thành lập, sổ kế toán thuế phải mở từ ngày thành lập.

2. Đơn vị kế toán thuế phải căn cứ vào dữ liệu thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế. Việc ghi sổ kế toán thuế phải kịp thời, rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của từng sổ kế toán thuế. Thông tin, số liệu phản ánh trên sổ kế toán thuế phải chính xác, trung thực, đúng với dữ liệu thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ.

3. Sổ kế toán thuế được ghi theo trình tự thời gian thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế. Nghiêm cấm ghi sổ kế toán thuế đối với mọi thông tin không qua thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế hoặc chứng từ kế toán thuế. Công chức thuế có trách nhiệm liên quan đến việc cập nhật số liệu vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đã cập nhật, đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực, liên tục, có hệ thống toàn bộ nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý thuế.

4. Đơn vị kế toán thuế phải thực hiện khóa sổ kế toán thuế vào cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo kế toán thuế.

Điều 27. Sửa chữa sổ kế toán thuế

1. Trường hợp khi phát hiện sai, sót về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trong kỳ kế toán chưa khóa sổ thì bộ phận kế toán thuế phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ thực hiện điều chỉnh sai, sót tùy theo nguyên nhân sai, sót.

2. Trường hợp phát hiện sai, sót về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của kỳ kế toán của năm trước thì bộ phận kế toán thuế phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế thực hiện điều chỉnh vào sổ kế toán thuế của năm trước tùy theo nguyên nhân sai, sót trước thời điểm đóng kỳ kế toán thuế theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Trường hợp phát hiện sai, sót về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ sau thời điểm đóng kỳ kế toán thuế đến trước khi báo cáo kế toán thuế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì việc điều chỉnh sổ kế toán thuế thực hiện như sau:

a) Đối với điều chỉnh theo văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Bộ phận kế toán thuế lập chứng từ điều chỉnh sai, sót để ghi dữ liệu điều chỉnh vào sổ kế toán thuế của năm trước theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

b) Đối với điều chỉnh do cơ quan thuế phát hiện sai, sót: Chỉ điều chỉnh số liệu vào sổ kế toán thuế của năm trước nếu được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế và có thuyết minh cụ thể. Trường hợp không được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế, đơn vị kế toán thực hiện điều chỉnh số liệu vào sổ kế toán thuế của năm hiện tại theo thông tin “năm ngân sách” để làm cơ sở thuyết minh báo cáo kế toán thuế của năm hiện tại theo quy định điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

4. Sau khi báo cáo kế toán thuế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nếu phát sinh điều chỉnh số liệu năm trước về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ thì được thực hiện điều chỉnh vào kỳ hiện tại với thông tin “năm ngân sách” theo quy định điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư này để nhận biết.

Điều 28. Danh mục, mẫu biểu, nội dung, phương pháp lập, in sổ kế toán thuế

1. Sổ kế toán thuế được xây dựng, cài đặt trên Phân hệ kế toán thuế phản ánh về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày hạch toán;

b) Số hiệu và ngày tạo bút toán hoặc số, ngày của chứng từ kế toán thuế làm căn cứ ghi sổ;

c) Tính chất nghiệp vụ quản lý thuế;

d) Diễn giải nội dung của nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh;

đ) Tài khoản kế toán thuế;

e) Số tiền phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán thuế;

g) Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.

2. Hàng ngày, sau khi hoàn thành việc thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này, Phân hệ kế toán thuế phải tổng hợp số phát sinh trong ngày, số dư cuối ngày của các tài khoản kế toán thuế để tổng hợp số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của ngày làm việc đó.

3. Mẫu sổ kế toán thuế được thiết lập và kết xuất từ Phân hệ kế toán thuế và đảm bảo các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này. Sau khi đóng kỳ kế toán thuế năm, sổ kế toán thuế được lưu trữ theo quy định của pháp luật về kế toán.

4. Danh mục, mẫu biểu và phương pháp lập sổ kế toán thuế được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Ngoài sổ kế toán thuế được hệ thống thiết lập theo biểu mẫu quy định tại Thông tư này, cơ quan thuế có thể thiết lập thêm sổ kế toán chi tiết và sử dụng các sổ kế toán thuế được hệ thống thiết lập sẵn trong công tác kế toán thuế.

Mục 4

BÁO CÁO KẾ TOÁN THUẾ

 

Điều 29. Báo cáo kế toán thuế

1. Báo cáo kế toán thuế để tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp trong một kỳ kế toán thuế.

2. Yêu cầu đối với báo cáo kế toán thuế

a) Báo cáo kế toán thuế phải được lập theo đúng mẫu biểu quy định, các chỉ tiêu trong báo cáo kế toán thuế phải đảm bảo tính nhất quán, liên tục, phản ánh trung thực, khách quan, hợp lý thông tin liên quan đến nghiệp vụ quản lý các khoản thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu. Các chỉ tiêu tổng hợp trên các báo cáo kế toán thuế phải đảm bảo thống nhất với các quy định có liên quan về tổng hợp thu ngân sách nhà nước.

b) Số liệu báo cáo kế toán thuế phải phản ánh chính xác, trung thực, khách quan và được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu kế toán thuế sau khi đã kiểm tra, đối chiếu và khóa sổ kế toán thuế.

c) Báo cáo kế toán thuế phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo kế toán thuế trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.

d) Ngoài báo cáo kế toán thuế được quy định tại Thông tư này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được quy định các báo cáo khác lập trên cơ sở dữ liệu kế toán thuế phục vụ cho công tác quản lý, điều hành phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

3. Lập báo cáo kế toán thuế

a) Trước khi đóng kỳ kế toán thuế, bộ phận kế toán thuế có trách nhiệm phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế thực hiện đối chiếu, kiểm tra số liệu đã hạch toán đảm bảo khớp đúng với các hồ sơ nghiệp vụ của các bộ phận nghiệp vụ.

b) Đơn vị kế toán thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước liên quan thực hiện kiểm tra, đối chiếu, điều chỉnh số liệu kế toán liên quan đến thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

c) Đơn vị kế toán thuế lập báo cáo kế toán thuế dưới dạng dữ liệu điện tử. Báo cáo được lưu dưới dạng dữ liệu điện tử và giấy tại đơn vị kế toán thuế.

4. Cục Thuế tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên địa bàn cấp tỉnh, Cục Thuế doanh nghiệp lớn tổng hợp báo cáo kế toán thuế trên các địa bàn do Cục Thuế được giao nhiệm vụ thu, Tổng cục Thuế tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên toàn quốc.

5. Đơn vị kế toán là Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế phê duyệt báo cáo kế toán thuế chậm nhất là 20 ngày sau khi đóng kỳ kế toán thuế; đơn vị kế toán là Cục Thuế phê duyệt báo cáo kế toán thuế chậm nhất là 30 ngày sau khi đóng kỳ kế toán thuế.

6. Danh mục, mẫu biểu và phương pháp lập báo cáo kế toán thuế được quy định chi tiết tại Phụ lục số V ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 30. Thời điểm chốt số liệu để lập báo cáo kế toán thuế

1. Thời điểm chốt số liệu để lập báo cáo kế toán thuế là thời điểm đóng kỳ kế toán thuế quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Trường hợp phát hiện sai, sót sau thời điểm đóng kỳ kế toán thuế đến trước khi nộp báo cáo kế toán thuế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc điều chỉnh báo cáo kế toán thuế thực hiện như sau:

a) Đối với điều chỉnh theo văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện điều chỉnh số liệu báo cáo năm trước theo đề nghị và phải có thuyết minh cụ thể.

b) Đối với điều chỉnh do cơ quan thuế phát hiện sai sót thì việc điều chỉnh số liệu báo cáo năm trước nếu được phê duyệt bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và có thuyết minh cụ thể.

3. Sau khi báo cáo kế toán thuế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nếu phát sinh điều chỉnh thì số liệu năm trước được thực hiện điều chỉnh vào báo cáo của năm hiện tại.

Điều 31. Cung cấp thông tin kế toán thuế

1. Đơn vị kế toán thuế gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định về báo cáo tài chính nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đơn vị kế toán thuế cung cấp báo cáo kế toán thuế theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN THUẾ

 

Điều 32. Tổ chức công tác kế toán thuế

1. Cơ quan thuế các cấp phải tổ chức bộ phận kế toán thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

2. Hoạt động của bộ phận kế toán thuế được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất dưới sự chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

3. Thủ trưởng cơ quan thuế chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán thuế, bố trí người làm công tác kế toán thuế bảo đảm thực hiện đầy đủ công việc kế toán và tổng hợp báo cáo theo quy định.

4. Việc bố trí kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán và quy định tại Thông tư này.

Điều 33. Nhiệm vụ của bộ phận kế toán thuế

1. Kế toán số thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ thuộc phạm vi quản lý của đơn vị kế toán thuế theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Thực hiện phạm vi, nhiệm vụ, nội dung của công tác kế toán thuế theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

3. Tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai và tổng hợp báo cáo, phân tích tình hình thực hiện kế toán thuế; đánh giá thực trạng, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kế toán thuế phù hợp thực tế đáp ứng yêu cầu quản lý.

4. Nhiệm vụ cụ thể của bộ phận kế toán thuế từng cấp thực hiện theo quyết định về chức năng, nhiệm vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 34. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, áp dụng từ kỳ kế toán thuế năm 2022.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 1544/QĐ-BTC ngày 07/07/2014 và Quyết định số 630/QĐ-BTC ngày 09/04/2015 của Bộ Tài chính về việc áp dụng thí điểm Chế độ kế toán thuế nội địa.

3. Căn cứ quy định tại Thông tư này, giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:

a) Ban hành quy trình nghiệp vụ kế toán thuế và hướng dẫn phương pháp hạch toán kế toán chi tiết theo nghiệp vụ quản lý thuế, quy định mã dự phòng và cách sử dụng mã dự phòng áp dụng thống nhất trong kế toán thuế.

b) Hướng dẫn đối với việc xử lý kết chuyển số dư từ các tài khoản hạch toán theo Quyết định số 1544/QĐ-BTC ngày 7/7/2014 của Bộ Tài chính về việc áp dụng thí điểm Chế độ kế toán thuế nội địa sang hệ thống tài khoản ban hành theo Thông tư này.

Điều 35. Tổ chức thực hiện

1. Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Thông tư này.

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó./.

Nơi nhận:

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Quốc hội;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Văn phòng Tổng Bí thư;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Toà án nhân dân tối cao;

– Kiểm toán nhà nước;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

– Công báo;

– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

– Website Chính phủ;

– Website Bộ Tài chính; Website Tổng cục Thuế;

– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

– Lưu: VT, TCT (VT, KK10).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Trần Xuân Hà

FILE ĐÍNH KÈM VĂN BẢN thong-tu-111-2021-tt-btc