ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG THUẾ SUẤT THUẾ GTGT 0% ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU HÀNG HÓA LÀ GÌ?

Trước hết để tìm hiểu về Điều kiện được áp dụng thuế suất 0% đối với xuất khẩu hàng hóa, thì ta cần phải hiểu “xuất khẩu hàng hóa” là gì và bao gồm những loại hàng hóa như thế nào?

Căn cứ theo Điều 28 Luật Thương Mại số 36/2005/QH11 của Quốc hội ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005 quy định như sau:

“Điều 28. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

  1. 1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định như sau:

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

  1. a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:

– Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;

– Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;

– Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;

– Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;

– Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:

+ Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.

+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.

+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài

Tiếp theo chúng ta tìm hiểu Điều kiện áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% khi xuất khẩu hàng hóa là gì?

Dieu kien thue suat voi xuat khau

Căn cứ Khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định như sau:

“2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:

  1. a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

– Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;

– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

Riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh”.

…. Riêng các trường hợp sau không cần tờ khai hải quan:

– Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu dịch vụ, phần mềm qua phương tiện điện tử thì không cần có tờ khai hải quan. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục xác nhận bên mua đã nhận được dịch vụ, phần mềm xuất khẩu qua phương tiện điện tử theo đúng quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

– Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.

– Cơ sở kinh doanh cung cấp điện, nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả bảo hộ lao động: quần, áo, mũ, giầy, ủng, găng tay).”

Ví dụ 1:

Công ty dệt may A có ký một hợp đồng với công ty của Hàn Quốc nhận cung cấp 10.000 chiếc áo sơ mi. Khi hai bên giao nhận hàng có ký kết biên bản bàn giao. Sau khi kiểm tra lại hàng, Công ty của Hàn Quốc đã chuyển khoản thanh toán toàn bộ tiền của lô hàng trên cho Công ty A. Lô hàng này của công ty A có đầy đủ bộ tờ khai xuất khẩu và các chứng từ khác theo quy định. Như vậy, khi xác định doanh thu tính thuế GTGT thì Công ty dệt may A sẽ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với lô hàng xuất khẩu cho công ty Hàn Quốc theo đúng quy định.

Ví dụ 2:

Công ty A và Công ty B (là các doanh nghiệp Việt Nam) ký hợp đồng mua bán dầu nhờn. Công ty A mua dầu nhờn của các công ty ở Sin-ga-po, sau đó bán cho Công ty B tại cảng biển Sin-ga-po. Trường hợp Công ty A có: Hợp đồng mua dầu nhờn ký với các công ty ở Sin-ga-po, hợp đồng bán hàng giữa Công ty A và Công ty B; chứng từ chứng minh hàng hóa đã giao cho Công ty B tại cảng biển Sin-ga-po, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty A chuyển cho các công ty bán dầu nhờn ở Sin-ga-po, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty B thanh toán cho Công ty A thì doanh thu do Công ty A nhận được từ bán dầu nhờn cho Công ty B được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.

Kết luận: Trên đây là điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với xuất khẩu hàng hóa. Thông qua bài viết này đã giúp chúng ta có thêm một lượng kiến thức mới về thuế GTGT để có thể hiểu và áp dụng đúng các điều kiện trên trong quá trình học tập và thực tế làm việc.

HOTLINE: 0975 997 729

Công Ty TNHH Tư Vấn Thuế Ency |

Địa chỉ: P.2608 Tòa A3 Dự Án Ecolife số 58 Tố Hữu, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Email: hangding.ency@gmail.com

Website: https://dailythueency.com/